Sách hay mỗi ngày: Tập thơ "Nhật ký trong tù" của tác giả Hồ Chí Minh

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý từng nhận xét: "Hơn 130 bài thơ viết bằng chữ Hán của Người trong cuốn sổ nhỏ màu xanh, bìa có vẽ đôi tay bị xiềng đã trở thành tác phẩm văn học nổi tiếng và hiện vật lịch sử quý giá của đất nước Việt Nam. Không ai, không gì có thể phủ nhận được giá trị tư tưởng và nghệ thuật của Nhật ký trong tù. Tác phẩm ấy cùng nhiều bài thơ khác của Người đã minh chứng Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn của dân tộc. Tôi vẫn tin rằng, không những bây giờ mà rất lâu sau, những bài thơ trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh vẫn bay trên đôi cánh tự do"


Nguyên tác chữ Hán của tập thơ Nhật ký trong tù

 

        Ngày 13/8/1942: Với tên mới là Hồ Chí Minh, Bác Hồ bí mật từ căn cứ Pắc Pó- Cao Bằng lên đường sang Trung Quốc để tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí đảng viên ở hải ngoại và lực lượng quân Đồng Minh. Cùng đi có đồng chí Lê Quảng Ba. Sáng 28/8/1942: Người đến xã Túc Vinh, huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây thì bị tuần canh của Quốc Dân Đảng bắt giữ, lý do: các giấy tờ được cấp sử dụng đã quá hạn.

        Từ cuối tháng 8/1942 đến giữa tháng 9/1943: Bọn Quốc Dân Đảng nghi Bác là gián điệp, nên áp giải Người đến nhà giam huyện Thiên Bảo. Sau đó lại nghi Bác là chính trị phạm nên giao cho Cục chính trị Đệ tứ chiến khu tra xét. Chúng giam cầm hơn 1 năm và giải Bác qua nhiều nhà lao như Đồng Chính, Quế Lâm- Nam Ninh, Liễu Châu- Vũ Minh, thuộc tỉnh Quảng Tây. Tuy trong cảnh ngày mang gông, đêm cùm chân, lúc đi đường gian nan, ăn uống khổ sở, đầy thử thách, nhưng Bác đều thể hiện bản lĩnh, khí tiết của một chiến sĩ cách mạng kiên cường, lạc quan, tin tưởng ngày thắng lợi. Bác đã tận dụng những mẩu báo cũ, giấy vụn, tức cảnh sinh tình, làm nhiều bài thơ bằng chữ Hán, ghi lại những cảm xúc trong tù. Sau này được tập hợp, thành cuốn Ngục trung Nhật ký (tức Nhật ký trong tù) rất nổi tiếng, nói lên khí chất của một nhà tư tưởng lớn, một anh hùng giải phóng dân tộc về sau.

        Cần xét đoán lịch sử bằng con mắt lịch sử, đây là lần thứ hai Bác phải chịu cảnh tù đày khi hoạt động cách mạng. Lần đầu, ngày 6/6/1931, Bác bị bọn cảnh sát Anh bắt tại số 186 phố Tam Lung, Cửu Long, Hồng Kông. Chúng đưa Bác ra tòa đòi trục xuất khỏi Hồng Kông, để giao Bác cho bọn thực dân Pháp bắt tiếp. Lần đó, Bác được vợ chồng luật sư Lô Giơ Bai và viên quan Phó Thống đốc Hồng Kông giúp đỡ tận tình, cứu thoát.

          Dưới đây là một số bài thơ tiêu biểu trong tác phẩm Nhật ký trong tù, nói lên ý chí lạc quan, kiên cường, lòng thương người và niềm tin tất thắng của Bác:

          Mở đầu tập thơ là bài Nhật ký trong tù, thể hiện ý chí con người là quyết định: "Thân thể ở trong lao, Tinh thần ở ngoài lao, Muốn nên sự nghiệp lớn, Tinh thần càng phải cao". Bài Mở đầu tập nhật ký, Bác nói rõ lý do ra đời tập thơ: "Ngâm thơ ta vốn không ham, Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây ? Ngày dài ngâm ngợi cho khuây, Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do". Bài Bị bắt ở Túc Vinh: vừa chơi chữ, vừa trần tình sự không may của Bác:"Túc Vinh mà để ta mang nhục, Cố ý làm cho chậm bước mình, Bịa đặt vu ta là gián điệp, Không dưng danh dự phải hy sinh". Bài Đường đời khó khăn, hàm ý cuộc đời nhiều thử thách: "Đi khắp đèo cao, khắp núi cao; Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao; Núi cao gặp hổ mà vô sự; Đường phẳng gặp người, bị tống lao". Bài Cơm tù, thực trạng chế độ ăn uống hà khắc, thiếu thốn: "Lót lòng mỗi bữa lưng cơm đỏ, Không muối, không canh, cũng chẳng cà, Có kẻ đem cơm thì chắc dạ, Không người lo bữa, đói kêu cha".

        Bài Học đánh cờ, thái độ người anh hùng trước thời vận "Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ; Kiên quyết không ngừng thế tiến công; Lạc nước, hai xe đành bỏ phí; Gặp thời, một tốt cũng thành công"; bài Tự khuyên mình: sự lạc quan tin tưởng của người cách mạng: "Ví không có cảnh đông tàn; Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân; Nghĩ mình trong bước gian truân; Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng"; hay bài Nghe tiếng giã gạo: về bài học đạo làm người "Gạo đem vào giã, bao đau đớn; Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông; Sống ở trên đời người cũng vậy; Gian nan rèn luyện mới thành công". Bài Trên đường đi: thể hiện lòng lạc quan, yêu thiên nhiên dù trong cảnh ngặt nghèo "Mặc dù bị trói chân tay; Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng; Vui say, ai cấm ta đừng; Đường xa, âu cũng bớt chừng quạnh hiu", hay bài Không ngủ được: tâm trạng của người con luôn lo lắng nghĩ về vận nước "Một canh…hai canh… lại ba canh; Trằn trọc, băn khoăn, giấc chẳng thành; Canh bốn, canh năm, vừa chợp mắt; Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh". Bài Đoán chữ: "Người thoát khỏi tù ra dựng nước; Qua cơn hoạn nạn rõ lòng ngay; Người biết lo âu, ưu điểm lớn; Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay". Bác làm bài tả Dây trói thật dí dỏm, lạc quan"Rồng uốn vòng quanh chân với tay, Trông như quan võ quấn tua vai"…hay tả Cái cùm: "Dữ tựa hung thần miệng chực nhai, Đêm đêm há hốc nuốt chân người", đến bài Ốm nặng, nói rõ hoàn cảnh đáng khóc mà vẫn cười: "Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh, Nội thương đất Việt cảnh lầm than; Trong tù mắc bệnh, càng đau khổ, Đáng khóc mà ta cứ hát tràn"; hay cảnh Chia nước: " Mỗi người nửa chậu nước nhà pha, Rửa mặt, pha trà, tự ý ta; Muốn để pha trà đừng rửa mặt, Muốn đem rửa mặt chớ pha trà!". Bài Một người tù vừa chết: "Thân anh da bọc lấy xương, Khổ đau, đói rét, hết phương sống rồi, Đêm qua còn ngủ bên tôi, Sáng nay anh đã về nơi suối vàng", thật là những hoàn cảnh tột cùng đau khổ, hay bài Rụng mất một cái răng: Bác miêu tả cái răng như tâm sự cùng người bạn "Cứng rắng như anh khác thói thường; Phải đâu mềm tựa lưỡi không xương; Ngọt bùi cay đắng từng chia sẻ; Nay phải xa nhau kẻ một đường!". Trên hết vẫn là tinh thần lạc quan, yêu thiên nhiên gắn liền tính cách kiên cường, rắn rỏi của người chiến sĩ, như trong bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi: "Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp: Mây gió trăng hoa tuyết núi sông; Nay ở trong thơ nên có thép; Nhà thơ cũng phải biết xung phong !". Bài Nửa đêm là kinh nghiệm nhận xét về con người qua nền giáo dục và tự giáo dục mà người đó thụ hưởng "Ngủ thì ai cũng như lương thiện, Tĩnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền; Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, Phần nhiều do giáo dục mà nên"…

        Tóm lại, tập thơ ngắn với hơn 100 bài, chính xác là 134 đoạn 4 câu, viết bằng chữ Hán, dịch sang tiếng Việt, ý nghĩa vừa giản dị, vừa sâu sắc. Mỗi bài thơ đọc xong, ngẫm nghĩ, như một bài học về những lẽ sống bình thường, bất chấp hoàn cảnh ngặt nghèo tù đày của một người chiến sĩ cách mạng. Không cần cao siêu, mà bình dị lạ thường, đủ sức nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta, thêm lạc quan tin tưởng, tin vào tính THIỆN của con người, góp phần làm cuộc sống mỗi ngày đẹp tươi hơn./.  

 

-Minh Tân-


No comments yet. Be the first.

Others:
Mới nhất